Khái niệm về nước hoa
Theo tiếng Anh, perfume (nước hoa) có nguồn gốc từ tiếng Latin “perfumus”, với “per” mang hàm nghĩa là “thông qua” và “fumus” nghĩa là “khói”. “Perfume” trong tiếng Anh, hay “Perfum” trong tiếng Pháp là cách gọi để miêu tả những mùi hương dễ chịu lan toả trong không khí mỗi khi đốt hương.
Nước hoa được gọi là “Perfumus” – mùi hương toả ra khi đốt hương, bởi lẽ, lần đầu tiên nhân loại biết đến nước hoa không phải là thể lỏng như chúng ta sử dụng ngày nay. Ban đầu nước hoa đơn thuần là chất đốt hoặc thuốc mỡ, kế tiếp là hỗn hợp sền sệt của các loại thảo mộc.
Từ thế kỷ thứ 5 – Babylon là thị trường thảo dược chính của thế giới ở dạng chất đốt. Sau 200 năm, khi Athens thế chỗ của Babylon, hình thức hỗn hợp sền sệt của các loại cỏ thơm như lily, xô thơm, cây hồi, hoa hồng, iris trộn với dầu olive, dầu quả hạnh, dầu hạt lanh. Hỗn hợp này được bán trong các lọ gốm nhỏ trang trí tỉ mẫn, đây cũng chính là tiền thân hình dạng nước hoa trong xã hội hiện đại.
1. Ai Cập cổ đại
Lịch sử của nước hoa đã trở thành một câu chuyện đầy bí ẩn, cho đến nay vẫn chưa ai có thể khám phá được chính xác về thời điểm hình thành. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học đã từng tìm ra những bức hoạ mô tả sự gắn kết nước hoa với cuộc sống của người Ai Cập cổ đại và những bình đựng hương liệu với niên đại 4000 năm trước Công Nguyên. Những phát hiện đã trở thành bằng chứng, khẳng định nước hoa có mối liên hệ mật thiết với lịch sử nhân loại.
Nền văn minh Ai Cập cổ đại được xem là cái nôi cho sự định hình của các mùi hương. Cái tên phải kể đến đầu tiên chính là trầm hương, tuy có rất nhiều loài thực vật có tinh dầu được tìm thấy trong tự nhiên, trầm hương vẫn là mùi hương được chuộng nhất trong nền văn hoá nước hoa sơ khai. Trầm hương mang đủ 5 vị ngọt, mặn, chua, cay, đắng và được mệnh là “vua của các mùi hương”.
Thời kỳ hoàng kim Ai Cập, nước hoa chỉ được sử dụng cho vua chúa và giai cấp quý tộc, các nghi lễ cho các vị thần. Nước hoa được trân trọng tôn thờ, và chỉ những linh mục mới có đặc quyền đốt trầm hương. Dần dần, nước hoa được phổ biến trong quần chúng, người dân Ai Cập phải sử dụng nước hoa tối thiểu 1 tuần 1 lần.
Nước hoa đóng vai trò không thể thiếu trong đời sống xã hội Ai Cập cổ đại, người ta mang theo nước hoa từ lúc sinh ra đến khi chết đi, họ tin rằng nước hoa chính là linh hồn và tinh thần của họ sau khi chết mà người thân có thể nhìn thấy được.
2. Hy Lạp và La Mã
Nền văn minh Hy Lạp và La Mã đã chứng kiến thời kỳ phát triển cực thịnh của nước hoa. Người Hy Lạp được cho là những nghệ nhân đã chế tác ra nước hoa ở dạng thể lỏng (dù rất khác với nước hoa ngày nay).
Người Hy Lạp và La Mã đã học hỏi được rất nhiều từ nước hoa Ai Cập, thương mại giữa các quốc gia trong lĩnh vực nước hoa bước vào giai đoạn thịnh vượng. Bất chấp những lệnh cấm vào thế kỷ thứ 6, đàn ông, phụ nữ vẫn sử dụng nước hoa vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Người La Mã bị đam mê vào việc sử dụng nước hoa, thậm chí họ còn bôi vào cơ thể vật nuôi như chó, mèo, ngựa…
3. Sự phát triển vượt bậc của nước hoa
Nước hoa dần phổ biến và trở thành mặt hàng giao thương giữa các quốc gia. Tuy nhiên những biến chuyển trong xã hội, quá trình hưng thịnh và sụp đổ của các đế chế đã từng đẩy nước hoa vào thời kỳ đen tối, người dân không còn thời gian nghĩ về nước hoa, bởi họ phải lao vào các cuộc chiến tranh và mưu sinh.
Cứ tưởng rằng giá trị của nước hoa sẽ trở nên mờ nhạt, nhưng ngay sau khi cuộc sống dần trở nên ổn định, những nghiên cứu về nước hoa lại lần lượt ra đời.
Thời kỳ Phục Hưng, người dân Italy sử dụng nước hoa không chỉ để hạn chế mùi phát ra từ cơ thể, mà còn xem chúng như một chất khử trùng hiệu quả. Chai nước hoa “tân tiến” đầu tiên áp dụng công nghệ hóa lỏng và sử dụng cồn làm nền có tên Hungary do chính công dân của nước này làm ra theo yêu cầu của hoàng hậu vào thế kỷ 14.
Ở Vương quốc Anh, dưới sự trị vì của Henry và hoàng hậu Elizabeth I nước hoa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những nơi hoàng hậu đi qua phải thật sự thơm và sạch sẽ. Yếu tố này trở thành tiền đề cho ngành công nghiệp nước hoa phát triển cực thịnh vào thế kỷ 19.
Trong những cuộc giao thương, người Pháp đã mang đến Mỹ những chai nước hoa đầu tiên, dần dần nước Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên sáng chế ra dòng nước hoa phi giới tính (Unisex).
Năm 1190, nước Pháp dẫn đầu trong việc chế tác và thương mại hóa thị trường nước hoa, đứng thứ hai là Mỹ. Nước Pháp đã trở thành quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp nước hoa. Huyền thoại được lặp lại một lần khi Chanel No.5 ra đời tại Paris, chai nước hoa đầu tiên có chứa nguyên liệu nhân tạo aldehyde.